024 38560777
Và ông chủ của hãng sản xuất kẹo dẻo này là Hans Riegel, nay đã trở thành một tỷ phú nổi tiếng, người đã trực tiếp điều hành công ty liên tục từ 55 năm nay.
Hãng kẹo dẻo của gia đình Riegel được thành lập từ năm 1920. Thương hiệu Haribo được ghép từ những chữ cái đầu tiên của tên gọi Hans Riegel và Bonn là nơi đặt trụ sở chính của hãng. Từ năm 1946, cùng với sự trợ giúp của người em, Hans Riegel đã trực tiếp điều hành và tiếp tục xây dựng xưởng sản xuất gia đình thành một công ty xuyên quốc gia với tổng cộng trên 5.000 công nhân và doanh số gần 2 tỷ USD mỗi năm.
Tính ra mỗi tuần có đến hàng tỷ chiếc kẹo với đủ hình dạng mà trẻ em yêu thích được xuất xưởng. Hiện Haribo là nhà sản xuất số một về thị trường này và chiếm thị phần áp đảo tại châu Âu.
Sống cả đời về sự nghiệp kẹo dẻo
Đã 79 tuổi và 56 năm trực tiếp điều hành công ty, nhưng Hans Riegel vẫn chưa có ý định rút lui về hậu trường. Ông tự hào tuyên bố, chừng nào còn sống sẽ trực tiếp điều hành để sản xuất và phân phối đặc sản kẹo dẻo đi khắp thế giới cho trẻ em. Cả đời sống chết với nghiệp kẹo dẻo, đi lên và trở thành tỷ phú cũng từ những chiếc kẹo dẻo. Hiện ông sở hữu một nửa tài sản của công ty (ước chừng xấp xỉ 1 tỷ USD), và người em Paul Riegel một nửa còn lại.
Tất cả các công nhân làm việc cho Haribo cho đó là chuyện bình thường khi thấy ông chủ mình, một nhà tỷ phú giàu có và quyền uy, vẫn thường xuyên ra tận cuối dây chuyền sản xuất ngón tay thử những sản phẩm kẹo Haribo của mình. Riegel không chỉ coi những viên kẹo dẻo xinh xinh là những sản phẩm đem lại sự giàu có. Với ông đó là cả một truyền thống gia đình, một triết lý kinh doanh riêng mà ông kiên định theo đuổi và vẫn rất đang thành công. Thậm chí, Hans Riegel đã có lần trả lời phỏng vấn báo chí rằng, ông không có con và những viên kẹo dẻo chíp chíp mang thương hiệu Haribo chính là những đứa con đem lại cho ông những giá trị tinh thần lớn lao.
"Nhiều khi vào siêu thị, nhìn thấy nhân viên đang xếp đầy những túi kẹo dẻo Haribo vào quầy, ngay lập tức tôi lấy máy ảnh để chụp hình ảnh đó. Lúc đó là những giây phút hạnh phúc nhất của tôi", ông nói.
Rất thành công với doanh nghiệp của mình, nhưng Hans Riegel lại làm người ta chú ý với một phong cách quản lý doanh nghiệp không giống ai. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu một mặt cho rằng phương pháp quản lý của ông lạnh lùng và có phần nào bảo thủ, nhưng mặt khác họ lại ngạc nhiên trước những kết quả kinh doanh kỳ diệu của Haribo.
Ngay cả trong hai năm 2000 và 2001 - giai đoạn phần lớn các sản phẩm kẹo dẻo có nguy cơ bị tẩy chay vì khách hàng lo ngại bệnh bò điên (trong các sản phẩm kẹo dẻo bao giờ cũng có gelatin chiết xuất từ xương bò), Haribo của Hans Riegel đã vượt qua một cách khá nhẹ nhàng trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh bị lao đao.
Vừa làm ông chủ nhưng Hans Riegel lại vừa làm Tổng giám đốc trực tiếp điều hành công ty, ông quản lý công ty của mình phần nào vẫn theo chủ quan rất riêng của cá nhân mình. Không ít nhà tư vấn doanh nghiệp nghi ngờ về cách quản lý này đối với một công ty 5.000 công nhân và nhiều chi nhánh ở nước ngoài như Haribo.
Nhiều người nhận xét Hans Riegel quản lý Haribo như quản lý một công ty gia đình nhỏ. Ông quán xuyến, chỉ đạo tất cả các phòng ban, xưởng sản xuất hàng ngày. Rất tự tin vào khả năng bao quát, quản lý và điều hành trực tiếp của mình, Riegel không cần đến một hệ thống quản lý trung gian.
Riegel không có những Phó tổng giám đốc giúp việc và không có những hệ thống kiểm tra nội bộ riêng như những công ty khác có quy mô tương tự. Hàng sáng, cứ đầu giờ làm việc từng trưởng phòng ban, quản đốc xưởng sản xuất phải vào gặp ông chủ kiêm Tổng giám đốc của công ty. Và mỗi người sẽ nhận được một mẩu giấy ghi những nhận xét, yêu cầu của ông chủ đối với họ trong ngày làm việc. Có thể là yêu cầu giải trình một sự việc nào đó, giải trình về tăng trưởng doanh thu hay yêu cầu về những giải pháp giải quyết cụ thể.
Thông thường, ông yêu cầu nhân viên của mình phải có ngay ý kiến trả lời. Cuối ngày Riegel trực tiếp đi kiểm tra thị sát các phòng ban, xưởng sản xuất để rồi lại đề ra những ý kiến chỉ đạo điều hành cho ngày hôm sau. Với các cơ sở sản xuất tại nước ngoài, ông đi kiểm tra bằng trực thăng riêng.
Đúng là khó tin được một cách quản lý như vậy lại có thể thành công lâu dài. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Haribo của nhà doanh nghiệp kiên định và tự tin này vẫn hoạt động rất ổn định và phát triển, tăng trưởng đều lành mạnh.
Tìm hiểu kỹ về Haribo và Hans Riegel, người ta lại thấy một điều đặc biệt khác. Đó là ngày nay khó có thể kiếm ra một ông chủ, một vị Tổng giám đốc lại có thể quan tâm sâu sát chăm lo tới đời sống nhân viên của mình như vậy. Hàng ngày, đi kiểm tra công việc thì đồng thời Riegel cũng tự mình thị sát tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và đời sống của nhân viên. Ông muốn mọi nhân viên cũng phải hết lòng gắn bó và tự hào về công ty và những sản phẩm kẹo dẻo Haribo như mình.
Không cần tới ý kiến của công đoàn, không cần đến những thoả ước lao động tập thể giữa giới chủ và người lao động, Hans Riegel tự nguyện trả cho người lao động một mức lương cao hơn hẳn những doanh nghiệp khác cùng ngành sản xuất. Chính bản thân Hans Riegel đã trực tiếp đề xuất và thực hiện những buổi liên hoan tập thể, những kỳ nghỉ chung cho nhân viên và gia đình của họ.
Có lẽ chính vì sự gắn bó và quan tâm đó mà Riegel đã nhanh chóng truyền cảm và truyền cảm một cách thuyết phục cho toàn bộ nhân viên của mình. Từ những vị trí cao cấp nhất cho đến những người công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất, tất cả đều mang trong mình một niềm tự hào hiếm có về người chủ của công ty, về thương hiệu của công ty và về sản phẩm của công ty.
Bền bỉ chăm lo thương hiệu
Những viên kẹo dẻo do Haribo sản xuất được trẻ em trên khắp hành tinh đón nhận nồng nhiệt.
Hans Riegel có một ý thức cao độ và bền bỉ về việc chăm lo thương hiệu Haribo của mình. Nhưng cũng như cách quản lý rất riêng, ông xây dựng thương hiệu cũng chẳng giống ai. Mặc dù chi rất nhiều tiền cho quảng cáo thương hiệu nhưng Riegel cho rằng không nhất thiết phải thành lập một phòng quảng cáo riêng cho công ty.
Bản thân câu quảng cáo chủ đạo của Riegel "Haribo làm cho trẻ nhỏ vui sướng và người lớn cũng vậy" cũng là do ông nghĩ ra từ những năm 60 và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Không ít người nghĩ rằng quan điểm quảng cáo này bảo thủ nhưng lại không có lý gì chỉ trích phê phán vì ông Hans Riegel vẫn rất thành công với thương hiệu Haribo.
Bí quyết dẫn đến thành công quảng cáo thương hiệu của Hans Riegel là ông đã không tiếc tiền mạnh bạo trong việc thuê Thomas Gottschalk độc quyền chỉ quảng cáo cho Haribo. Gottschalk là diễn viên, là người dẫn chương trình tài năng. được rất nhiều trẻ em yêu thích. Cứ mỗi khi Gottschalk xuất hiện trên truyền hình, kể cả lúc không làm quảng cáo thì người ta vẫn cứ luôn nhớ tới những chiếc kẹo dẻo Haribo mà Gottschalk đã quảng cáo rất ấn tượng.
Cung cách quản lý của "vua kẹo dẻo"
Hans Riegel (con), vua kẹo dẻo, quốc tịch Đức, tiếp nhận nhà máy sản xuất kẹo dẻo Haribo từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đến năm 1950, dưới tài điều hành của ông, công ty không ngừng mở rộng và số lượng công nhân làm việc lên đến 1.000 (so với ban đầu chỉ có hai người là Hans Riegel cha - mất năm 1945 và Gertrud - vợ ông).
Liên tục sau đó, Hans Riegel (con) cùng với em trai mình đã đưa thương hiệu Haribo đi khắp thế giới. Hiện tại, Haribo có nhà máy sản xuất tại Đức, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Bỉ, Áo, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ý... và doanh số hàng năm của công ty đạt gần 2 tỷ đô la. Riegel trực tiếp quản lý và điều hành công ty.
Đầu giờ mỗi sáng, từng trưởng phòng, quản đốc xưởng sản xuất phải vào gặp ông và mỗi người nhận được một mẩu giấy ghi những nhận xét, yêu cầu đối với họ trong ngày làm việc. Nếu có những vấn đề cần giải đáp, ông thường yêu cầu nhân viên trả lời ngay. Cuối ngày, Riegel trực tiếp đi kiểm tra các phòng ban, xưởng sản xuất để rồi lại đề ra những ý kiến chỉ đạo cho ngày hôm sau. Với các cơ sở sản xuất tại nước ngoài, ông đi kiểm tra bằng trực thăng riêng.
Theo đánh giá của nhiều người, Haribo sở dĩ thành công như ngày hôm nay là nhờ cung cách quản lý độc đáo của Hans Riegel. Với một công ty lớn, có nhà máy ở khắp các nước châu Âu như Haribo, Hans Riegel vẫn không ngần ngại tự mình đi kiểm tra, đốc thúc thường xuyên. Quá trình này cũng giúp ông đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các nhân viên, dù ở cấp thấp nhất. Nhờ đó, các nhân viên cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng.
Không những vậy, sự say mê, nhiệt huyết và lòng tự hào về sản phẩm của Hans Riegel cũng được truyền cho các nhân viên khiến họ có chung niềm tự hào về những viên kẹo dẻo Haribo và yêu mến, gắn bó với công ty lâu dài. Hans Riegel còn xác lập mức lương cho nhân viên cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo khác nhằm giúp nhân viên yên tâm làm việc. Và chính ông cũng là người đề xuất và tổ chức các buổi liên hoan tập thể, các kỳ nghỉ chung dành cho nhân viên và gia đình của họ.
Chúng ta đang trong tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực và kêu gọi các chuyên gia nhân sự xây dựng chiến lược, chính sách nhân sự dài hơi, có mục tiêu rõ ràng... Bài học từ Hans Riegel cho thấy không phải chỉ có lương cao mới có thể giữ chân nhân viên mà người lãnh đạo còn cần một chữ “tâm” thật sự mới có thể thành công trong thời buổi cạnh tranh nhân lực này.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ V&V
Trụ sở: 17 Hạ Hồi - P.Trần Hưng Đạo - Q.Hoàn Kiếm - TP.Hà Nội | Tel: (024) 3856 0777
VP.Đà Nẵng: 50 Nguyễn Hữu Thọ - Q.Hải Châu - TP.Đà Nẵng | Tel: (023) 6307 1068
VP. Hồ Chí Minh: 185Bis Võ Thị Sáu - Q.3 - TP.HCM | Tel: (028) 73096077 / 0903 696 077
Email: lienhe@vivicorp.com Website: http://www.vivicorp.com/