Mobile web

Kiên định với mục tiêu

12/07/2012  | 
Người Mỹ thường có một nhịp sống hối hả, bận rộn. Đây là một nét nổi bật xuất phát từ nguồn trí lực tràn đầy vốn là nguồn sức mạnh to lớn nhất của nước Mỹ.

Nhưng cũng chính đặc tính đó – luôn đòi hỏi bạn phải hành động kịp thời – cũng có thể là một điểm yếu, vì nó biến chúng ta trở thành một dân tộc kém kiên nhẫn nhất trên thế giới. Trong thời kỳ chiến tranh, rất nhiều lính Mỹ đã rơi vào tình thế dầu sôi lửa bỏng do tính cách thiếu kiên nhẫn điển hình của người Mỹ. Họ thường đặt mình vào tình thế nguy hiểm thay vì cố đánh lừa một tay bắn tỉa nào đó.

Trong kinh doanh, người Mỹ có lẽ cũng bộc lộ sự nóng vội. Họ muốn ký kết được hợp đồng và vụ làm ăn diễn ra suôn sẻ và ngay lập tức. Họ thường không dành thời gian cân nhắc kỹ một dự án do thiên hướng muốn hành động ngay lập tức của mình. Do đặc tính thiếu kiên nhẫn và thói quen vội vàng “tiến hành công việc”, họ dễ đánh mất điều kiện thuận lợi, mà lẽ ra họ được hưởng, cho người khác – những người sẵn lòng chờ đợi lâu hơn một chút trước khi hành động. Triết gia nổi tiếng Benjamin Franklin từng nói: “Người nào có đủ lòng kiên nhẫn, người đó có thể đạt được điều mình mong muốn.”

Sự kiên trì cũng đòi hỏi phải có lòng dũng cảm. Đó là sự bền bỉ và can đảm xuất phát từ việc cống hiến hoàn toàn trí lực và sức lực để theo đuổi một lý tưởng hoặc một mục tiêu. Browning từng nói rằng lòng kiên trì là sự dũng cảm thay đổi những điều bạn có thể, sự sẵn sàng chấp nhận những điều bạn không thể, và trí khôn ngoan để phân biệt được điều gì là có thể và không thể. Vì thế, nếu bạn càng thấm nhuần ý chí đạt được mục tiêu chính trong cuộc sống của mình, thì lòng kiên trì của bạn sẽ càng tăng, giúp bạn dễ dàng vượt qua trở ngại khó khăn.

Lòng kiên trì phải ở trạng thái động chứ không phải tĩnh, chủ động chứ không bị động. Nó phải là một động lực tích cực giúp bạn làm chủ số phận của mình, chứ không phải là sự chấp nhận, phục tùng những tình huống hoặc điều kiện xảy ra với bạn. Lòng kiên trì đó phải bắt nguồn từ cùng một nguồn trí lực vô tận nhưng phải được kiểm soát và có mối liên hệ chặt chẽ với một mục tiêu duy nhất.

Việc hiểu biết rõ bạn sẽ đi đến đâu trong cuộc đời sẽ giúp bạn tăng sức chịu đựng trước những bất lợi ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình. Bạn xác định mình sẽ đi đến mục tiêu và đó chỉ là những trở ngại nhất thời mà thôi. Nếu bạn nhận thức được đâu là trở ngại và giải quyết chúng theo chiều hướng tích cực thì bạn sẽ thấy rằng một khi bạn đã sẵn sàng đối mặt với chúng, chúng sẽ tự biến mất. Chúng sẽ tan biến nhanh trước lòng quyết tâm của bạn.

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp ảnh trẻ sơ sinh Constance Bannister cho rằng tính thiếu kiên trì chính là sai lầm lớn nhất của mình, dù bà đã rất thận trọng khi quyết định lựa chọn một nghề mà lòng kiên trì được xem là điều kiện tiên quyết – chụp ảnh trẻ sơ sinh – và bà đã trở thành một trong những người thành công nhất trong nghề này. Bà cho biết: “Đối với trẻ nhỏ, để có được hiệu quả diễn đạt nghệ thuật mà mình muốn, bạn phải làm đi làm lại, giải thích đi giải thích lại với giọng nói dịu dàng êm ái. Tôi rất thích chụp ảnh trẻ nhỏ vì công việc này giúp tôi phát triển khả năng hài hước giúp sáng tạo hơn trong những lĩnh vực khác.”

Vậy bạn có thể rèn luyện tính kiên trì như thế nào? Rất dễ dàng, miễn là bạn đã xác định rõ được mục tiêu của mình trong cuộc sống và dồn hết tâm trí vào đó cho tới khi trong bạn bùng cháy lên một khao khát muốn đạt được mục tiêu đó – và mỗi suy nghĩ, hành động và mong muốn của bạn đều hướng tới việc đạt được mục tiêu.

Cũng chính cách thức đó đã tạo dựng lòng kiên trì giúp nhà khoa học Edison phát minh ra đèn điện, nhà sinh vật học Salk tạo ra vắc xin phòng bệnh bại liệt, nhà leo núi Hillary trèo lên tới đỉnh Everest, và giúp nhà hoạt động Hellen Keller vượt qua được những thiệt thòi về thể chất tưởng như không thể vượt qua.


Like Tạp Chí Web
comments powered by Disqus